Hóa chất và một số nội dung cần lưu ý trong công tác PCCC
Tuy nhiên, song song với những đóng góp cực kỳ to lớn, đây cũng là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cùng với nguy cơ cháy, nổ luôn thường trực.
HÓA CHẤT VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN LƯU Ý TRONG CÔNG TÁC PCCC
Nền công nghiệp hóa chất có một lịch sử phát triển lâu đời với những đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng và của xã hội loài người nói chung. Tuy nhiên, song song với những đóng góp cực kỳ to lớn, đây cũng là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cùng với nguy cơ cháy, nổ luôn thường trực.
Ngày 12/8/2015 vừa qua, một vụ nổ có thể coi là lịch sử trong ngành hóa chất thế giới đã xảy ra tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc). Vụ nổ tại nhà kho chứa khoảng 40 hóa chất thuộc 7 loại, trong đó có 1.300 tấn hợp chất, 500 tấn vật liệu dễ cháy, 700 tấn chất có độc tố cao đã mang đến sức công phá tương đương 24 tấn thuốc nổ TNT, phá hủy một khu vực rộng lớn, thiêu rụi khoảng 1.000 xe đỗ gần đó, làm chết 123 người, trong đó có 70 lính chữa cháy và 7 cảnh sát, thiệt hại về tài sản ước tính lên đến 1,6 tỷ USD.
Ở Việt Nam cũng đã xảy ra không ít những vụ cháy, nổ hóa chất gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Có thể kể đến vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh thiết bị, phụ kiện, hóa chất làm tóc tại Số 416 Nguyễn Trãi, quận 5, TP Hồ Chí Minh ngày 16/9/2014 khiến 7 người chết, căn nhà cùng hàng hóa bị thiêu rụi hoàn toàn; vụ nổ tại chi nhánh Công ty TNHH SX TM Đặng Huỳnh (đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh) ngày 12/10/2014 làm 3 nữ công nhân thiệt mạng, 5 người bị thương và hơn 150 căn nhà bị hư hỏng; vụ cháy kho chứa sơn và hóa chất của Công ty TNHH TM DV Vân Trúc (phường Bình Hòa, TX Thuận An, Bình Dương) ngày 27/4/2015 thiêu rụi hơn 2.000 m2 nhà kho cùng hàng trăm thùng chứa sơn, 4 xe ô tô...; vụ nổ kho hóa chất tại nhà dân ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ngày 6/5/2015 khiến 17 chiến sĩ lực lượng PCCC bị bỏng...
Hóa chất và những tác động nguy hiểm của sự cố hóa chất trong PCCC
Hóa chất là đơn chất, hợp chất, hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo. Trong đó, có nhiều hóa chất nguy hiểm là các loại hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất, bao gồm: hóa chất dễ nổ; ôxy hóa mạnh; ăn mòn mạnh; dễ cháy; độc cấp tính; độc mãn tính; gây kích ứng với con người; gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư; gây biến đổi gene; độc đối với sinh sản; tích luỹ sinh học; ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ; độc hại đến môi trường.
Hóa chất dễ cháy, nổ là những hóa chất có thể hoặc tự phân giải gây cháy, nổ hoặc cùng các chất khác tạo thành hỗn hợp cháy, nổ trong điều kiện nhất định về thành phần, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất. Phân nhóm và danh mục hóa chất dễ cháy, nổ được quy định cụ thể tại Phụ lục B, C tiêu chuẩn TCVN 5507:2002 “Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển”.
Hóa chất tồn tại ở các trạng thái rắn, lỏng, khí và đa số là những chất cháy được, khi cháy toả ra nhiệt lượng lớn, trung bình khoảng 3.000 – 3.500 Kcal/kg. Nhiệt độ bắt cháy của các hóa chất độc thường > 4500C. Khi cháy hoá chất độc toả ra nhiều loại chất độc như HCN, CO, HCl ...
Trong quá trình hoạt động sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hóa chất nếu không thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sẽ dễ xảy ra các sự cố hoá chất. Đó là sự việc bất thường xảy ra liên quan đến hóa chất: cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người và thiệt hại về tài sản, gây hại cho động thực vật, môi trường và có thể gây ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội. Đặc biệt, nhiều loại hóa chất có nguy cơ cháy, nổ rất cao.
Đặc tính nguy hiểm của hóa chất liên quan đến công tác PCCC
Một số loại hóa chất nguy hiểm cháy, nổ (tên và các chỉ số nguy hiểm về cháy, nổ theo Phụ lục C, TCVN 5507:2002) có khả năng gây cháy, nổ khi tiếp xúc với nước hoặc tiếp xúc với nhau.
Ví dụ: phân bón Urê khi tác dụng với axit nitric (HNO3) gây nổ; natri xyanua (Sodium Cyanide - NaCN) có thể chuyển hóa thành khí dễ cháy khi tiếp xúc với nước; các hóa chất nổ do phản ứng kết hợp thường thấy như muối amoni nitrat (NH4NO3) (có nhiều ứng dụng, trong dân sinh thường được sử dụng trong chế biến phân đạm), thuốc nổ (bao gồm các hợp chất như kali nitrat, lưu huỳnh…), hóa chất sử dụng trong sản xuất pháo hoa; canxi cacbua (CaC2) có thể phản ứng với nước và tạo ra acetylen (C2H2 - một chất khí đặc biệt dễ cháy, nổ), nếu acetylen tiếp xúc với amoni nitrat sẽ xảy ra phản ứng nổ lớn ...
Bài học đắt giá qua vụ nổ nhà kho hóa chất ở Thiên Tân ngày 12/8/2015 và một số vụ cháy, nổ hóa chất ở Việt Nam những năm gần đây đã cho thấy là khi những người lính chữa cháy đầu tiên đến hiện trường thường tiến hành phun nước ngay vào ngọn lửa mà không biết các kho hàng chứa gì. Đây là một sai lầm vì nếu không thực hiện có hiệu quả công tác trinh sát đám cháy, không nắm vững được chủng loại và tính chất nguy hiểm cháy, nổ của các loại hóa chất trong kho trước khi ra quyết định chữa cháy thì có thể gây ra những hậu quả nặng nề.
Nguyên nhân gây cháy, nổ hóa chất
Các sự cố cháy, nổ thường gặp là nổ do hóa chất dễ cháy trong công nghiệp, nổ bình gas trong dân cư, nổ đường dẫn khí như nồi hơi, đường dẫn trong các nhà máy lọc dầu, nổ do khí đốt tự nhiên như nổ khí metal trong khai thác than đá, nổ các thùng nguyên liệu là các chất dễ cháy...
Các chất lỏng dễ cháy như xăng dầu và các dung môi dễ bay hơi trong các sản phẩm công nghiệp (ví dụ: sơn, mực in, chất kết dính và các chất lỏng làm sạch) có thể bắt cháy hoặc phát nổ trong một điều kiện nhất định, đặc biệt khi có sự bất cẩn hoặc mất an toàn trong sản xuất.
Các nguyên nhân gây nên cháy, nổ hóa chất thường gặp:
+ Sử dụng thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện tại nơi bảo quản, sử dụng hóa chất không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn;
+ Lỗi trên đường dây điện làm phát tia lửa điện;
+ Lỗi của thiết bị điện tử làm chập cháy mạch điện;
+ Lỗi của thiết bị máy móc làm tăng ma sát và phát sinh tia lửa;
+ Các hóa chất nguy hiểm cháy, nổ khi bảo quản, sử dụng không đúng quy trình, quy định về an toàn;
+ Sử dụng nguồn nhiệt, ngọn lửa trần không đảm bảo an toàn tại khu vực bảo quản, sử dụng hóa chất. Ví dụ: đun nấu, hút thuốc lá...
Một số biện pháp phòng, chống nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hóa chất
a) Thiết kế nhà kho hóa chất, nơi sử dụng hóa chất (sau đây gọi tắt là cơ sở)
- Bố trí vị trí cơ sở phải xem xét hướng gió chủ đạo và các vị trí này phải đặt ở cuối hướng gió, cách xa nguồn nước, khu dân cư, xung quanh phải có hàng rào bảo vệ, bên ngoài phải treo biển cấm lửa, cấm hút thuốc.
- Cơ sở phải có bậc chịu lửa phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của các loại hóa chất và phải khô ráo không thấm, dột.
- Trong cơ sở phải có thông gió tự nhiên hoặc cưỡng bức. Hệ thống thông gió cưỡng bức phải đảm bảo dừng hoạt động ngay khi xảy ra cháy ở cơ sở.
- Cơ sở có hóa chất dễ cháy, nổ đều phải thực hiện đúng các qui trình kỹ thuật để đảm bảo hỗn hợp, khí, hơi bụi của các hóa chất này với không khí luôn ngoài vùng giới hạn cháy nổ theo quy định. Các cơ sở này phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và phải lập, thực hiện kế hoạch phòng cháy, nổ.
- Phải có khu vực cách ly giữa kho chứa và phòng lấy mẫu, phòng sang chiết tránh hơi hóa chất thoát ra hình thành hỗn hợp hơi khí cháy gây cháy lan toàn kho.
- Phải có biện pháp phòng chống tác động bên ngoài làm hư hỏng các thiết bị, đường dây điện, bao bì trong kho hóa chất.
- Trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu như: cát, bình bột chữa cháy... và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy của hóa chất để sử dụng dập tắt đám cháy hiệu quả. Đồng thời phải trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chống độc thích hợp khi chữa cháy.
- Nên trang bị máy đo nồng độ hóa chất để sử dụng trong quá trình hoạt động cũng như khi xử lý sự cố về hóa chất.
b) Yêu cầu khi sắp xếp hóa chất
- Phân loại và xếp riêng biệt các loại hóa chất dễ cháy, nổ; hóa chất kỵ nước. Khu vực sắp xếp các loại hóa chất này phải có chú thích rõ ràng. Hóa chất kỵ nước nên được xếp ở gian kho riêng biệt, đảm bảo kín và cách ly với khu vực xung quanh.
- Thiết bị, bao bì chứa chất hóa lỏng dễ cháy, nổ phải giữ đúng hệ số đầy theo quy định. Thiết bị lớn phải có van xả một chiều, van ngắt lửa kèm bích an toàn phòng nổ. Đầu ống dẫn hóa chất dễ cháy, nổ phải sát mép hoặc sát đáy thiết bị.
- Hóa chất đóng bao phải xếp trên bục hoặc giá đỡ, cách tường ít nhất 0,5m; hóa chất kỵ ẩm phải xếp trên bục cao ít nhất 0,3m.
- Hóa chất dạng lỏng chứa trong phuy, can... và hóa chất dạng khí chứa trong các bình chịu áp lực phải được xếp đúng quy định.
- Các lô hàng không được xếp sát trần kho và không cao quá 2m.
- Lối đi chính trong kho phải rộng tối thiểu 1,5m.
- Không để hóa chất dễ cháy, nổ cùng chỗ với chất duy trì sự cháy. Đường ống dẫn hóa chất dễ cháy không đi chung với giá đỡ đường ống oxy, không khí nén.
- Không để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy trong kho.
- Hóa chất dễ cháy phải để cách xa với nguồn nhiệt tối thiểu 0,5m hoặc phải được cách ly bằng vật liệu không cháy.
- Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín và chắc chắn. Bao bì khi dùng hết phải bảo quản riêng. Vật chứa, bao bì chứa hóa chất nguy hiểm phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của Quy chế ghi nhãn hàng hóa.
c) Đối với các hệ thống công nghệ, hệ thống điện
- Các thiết bị công nghệ sử dụng với hóa chất phải đảm bảo độ bền cơ học, hóa học, độ chịu lửa, chịu nhiệt, độ kín theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật quy định. Máy móc, thiết bị làm việc trong khu vực hóa chất dễ cháy, nổ phải là loại an toàn phòng chống cháy, nổ, trong quá trình hoạt động phải có các biện pháp đảm bảo không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập.
- Đối với thiết bị làm việc chịu áp lực phải thực hiện các yêu cầu của hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đối với thiết bị chịu áp lực. Các bình khí sử dụng trong công nghiệp phải được kiểm định thường xuyên theo quy định; khu vực đặt bình phải có cảnh báo an toàn và cách ly với nguồn nhiệt.
- Bề mặt nóng của thiết bị và ống dẫn phải được cách ly bằng vật liệu cách nhiệt.
- Dụng cụ, thiết bị điện ở những nơi có hóa chất dễ cháy, nổ phải là loại an toàn cháy, nổ và có cấp phòng nổ tương ứng với môi trường hơi, khí dễ cháy, nổ. Cầu dao, cầu chì, ổ cắm điện phải đặt ở ngoài khu vực chứa hóa chất dễ cháy, nổ. Các nhánh dây điện phải có cầu chì hoặc thiết bị bảo vệ tương đương;
- Hệ thống điện chiếu sáng phải là loại phòng nổ, phải ngăn ngừa sự xâm nhập của hơi khí, bụi dễ cháy nổ vào thiết bị chiếu sáng.
- Không dùng khí nén có oxy để đẩy hóa chất dễ cháy, nổ từ thiết bị này sang thiết bị khác. Khi san rót hóa chất dễ cháy, nổ từ bình này sang bình khác phải tiếp đất bình chứa và bình rót.
- Trước khi đưa vào đường ống, thiết bị một chất có khả năng gây cháy, nổ phải thực hiện thử áp, thử kín; thông rửa bằng môi chất thích hợp hoặc khí trơ; xác định hàm lượng oxy.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống thiết bị, máy móc, kiểm tra hệ thống điện, hệ thống dẫn khí, khu vực để hóa chất, kịp thời phát hiện những yếu tố mất an toàn và có biện pháp khắc phục.
d) Công tác quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt
- Không để thiết bị, đường ống chứa hóa chất dễ cháy, nổ gần nguồn phát nhiệt. Trường hợp có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp thì phải có biện pháp hạ nhiệt (sơn phản xạ, tưới nước...)
- Không đun nóng hóa chất lỏng dễ cháy bằng ngọn lửa trực tiếp. Không dùng ngọn lửa trực tiếp soi sáng để tìm chỗ hở các đường ống dẫn, thiết bị chứa hóa chất dễ cháy, nổ mà phải dùng xà phòng hoặc chất khác không có khả năng gây cháy, nổ với các hóa chất trong ống dẫn thiết bị.
- Xe chuyên dụng vận chuyển hóa chất lỏng dễ cháy phải có dây tiếp đất và có biển cấm lửa. Trên đường vận chuyển hóa chất nguy hiểm, không được đỗ dừng phương tiện ở nơi công cộng đông người (chợ, trường học, bệnh viện…). Đối với hóa chất nguy hiểm bị nhiều tác động, khi vận chuyển không được dừng, đỗ nơi phát sinh ra nguồn nhiệt và không được đỗ lâu dưới trời nắng gắt. Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển phải đảm bảo theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.
- Tuân thủ tuyệt đối các quy trình kỹ thuật an toàn khi tiến hành hàn, sơn đối với thiết bị, đường ống dẫn hóa chất dễ cháy, nổ.
- Không sử dụng ngọn lửa trần, hút thuốc lá hoặc mang vật có thể phát lửa (bao diêm, bật lửa…) tại các vị trí có để hóa chất hoặc nguyên liệu dễ cháy nổ.
e) Đối với người làm việc tại cơ sở
- Những người làm việc tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm phải được đào tạo và được cấp thẻ an toàn lao động. Định kỳ, cơ sở có hóa chất nguy hiểm phải mở lớp bồi dưỡng kiến thức về PCCC, an toàn lao động, vệ sinh lao động và xử lý sự cố hóa chất cho cán bộ công nhân viên.
- Chỉ có người có trình độ chuyên môn phù hợp được giao trách nhiệm quản lý hóa chất nguy hiểm.
- Những người làm việc tại cơ sở phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và thường xuyên thực hành xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra theo các phương án đã được xây dựng.
Xử lý ban đầu khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất
- Trước khi thực hiện chữa cháy phải tiến hành trinh sát đám cháy, xác định rõ loại, vị trí, cách sắp xếp, tình trạng bao bì, khối lượng hóa chất có tại cơ sở. Tuyệt đối không phun nước khi chưa rõ loại hóa chất trong cơ sở hoặc đối với các loại hóa chất kỵ nước.
- Khi xác định trong cơ sở không có hóa chất kỵ nước, triển khai phun nước làm mát xung quanh và ngăn cháy lan. Sử dụng nước, bột, bọt, khí trơ hoặc các chất có tác dụng kìm hãm phản ứng cháy khác để chữa cháy. Người chỉ huy chữa cháy căn cứ vào từng tình huống cụ thể, căn cứ vào loại hóa chất cháy để sử dụng chất chữa cháy nào hiệu quả nhất.
- Trường hợp cháy hóa chất thể lỏng chảy loang trên mặt sàn, phải be bờ hoặc xúc đất, cát phủ một lớp bề mặt để phun bọt, bột chữa cháy để dập lửa. Khi triển khai đội hình phun bọt để loại trừ đám cháy chất lỏng chảy loang hoặc trên mặt thoáng của bể chưa thì cường độ phun cần thiết theo dung dịch là (0,08- 0,1) l/m2.s (sử dụng chất chữa cháy là bọt hòa không khí có bội số nở trung bình).
- Trường hợp lửa đang cháy tại lỗ thủng có hóa chất thoát ra (hơi, khí cháy) trên đường ống, có thể phun tia nước đặc để cắt ngọn lửa, đồng thời phun mưa để làm mát phần đường ống đang bị nung nóng sau đó tìm biện pháp bịt lỗ thủng. Nếu cháy vừa xảy ra tại lỗ thủng, vừa xảy ra dưới mặt sàn do chảy loang thì trước tiên phải phun bột hay bọt để ngăn chặn cháy lan trên diện tích mặt cháy và tại lỗ thủng. Sau đó sử dụng lăng phun mưa để làm mát đoạn đường ống đang bị tác động nhiệt và làm mát cho các chiến sỹ cứu hộ cứu nạn bịt lỗ thủng đó.
- Trường hợp cháy hóa chất ở thể rắn như cao su, chất dẻo... thì cường độ phun nước là (0,14- 0,4) l/m2.s. Có thể quyết định triển khai phun tia nước đặc khi đám cháy phát triển mạnh. Sau khi đã cơ bản loại trừ đám trên toàn bộ diện tích, có thể thay đổi những lăng có công suất lớn bằng những lăng có công suất nhỏ để tiếp tục chữa cháy và bảo vệ các khu vực lân cận. Riêng chất dẻo khi bị cháy thường xảy ra hiện tượng chảy thành nhựa và vón cục nên phải phun bọt để đạt hiệu quả cao.
- Lưu ý: những người xử lý sự cố cháy, nổ hóa chất phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ, chống độc: trang phục dương áp, mặt nạ phòng độc, quần áo chống độc, chống nhiệt...
CÔNG TY TNHH TM & DV BÌNH MINH PHÁT
500/59/37 Hương lộ 80B, P.Hiệp Thành , Quận 12, Tp.HCM
Email: binhminhphat.kd@gmail.com
| www.keogianhiet.com - 0936 338 411